Sương Lam mời đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ Đại Hàn Ngắm Mùa Thu Lá Đỏ (Tiếp Theo và Hết)

Tiếu Ngạo Giang Hồ Đại Hàn Ngắm Mùa Thu Lá Đỏ

 (Tiếp Theo và Hết)

DSCN2379.JPG

Đây là bài số năm trăm chin mươi (590 ) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.

Nhân mùa Thanksgiving, đáng lý ra người viết phải viết bài về Thanksgiving mới đúng điệu “thời trang truyện tuyển” chứ lị!

 Nhưng chúng ta đang trên đường đi ngắm mùa thu lá đỏ ở Đại Hàn, đặc biệt là đến hồi hấp dẫn, lãng mạn nhất của chuyện phim “Bản Tình Ca Mùa Đông” đã một thời lấy nước mắt của qúy vị phụ nữ thích tình yêu lãng mạn, nên người viết phải tiếp tục lên đường về Seoul viếng thăm  đảo Nami để ngắm lá vàng lá đỏ ngập lối đi mới đượ . Mời Bạn tiếp tục lên đường với vợ chồng người viết nhé.

Ngày 3 – Đảo Jeju – Seoul – Nanta Show

  Sau khi ăn sáng ở khách sạn và làm thủ tục trả phòng, phái đoàn ra phi trường Jeju lập thủ tục về Seoul, thủ đô của Đại Hàn.

   Đến Seoul là bắt đầu có màn dạo quanh thủ đô Seoul. Seoul đã vào thu nên lá trên cây đã đổi sang màu vàng. Xe đi qua sông Hàn trên một chiếc cầu lớn và dài. Sông Hàn uốn lượn giữa thủ đô Seoul và chia thành phố thành hai phần Bắc Giang và Nam Giang. Bắc Giang lưu giữ những giá trị truyền thống với nhiều cung điện và đền đài. Nam Giang mang đến cho thủ đô sức mạnh kinh tế với quận Gangnam giàu có. Rất nhiều cây cầu bắt ngang sông Hàn.

   Nổi tiếng nhất là cầu Banpo với đài phun nước Cầu Vồng Ánh Trăng khi nước được bơm lên đài từsông Hàn và chảy về lại sông Hàn. Có 38 máy bơm và 380 vòi phun nước, hút nước từ độ sâu 20 m dưới gầm cầu và vẽ ra những dải màu nước dài tới 43 m theo chiều ngang. Đài phun nước Cầu Vồng Ánh Trăng trên cầu Banpo (Banpo Bridge Moonlight Rainbow Fountain) đã lập kỷ lục Guinness là đài phun nước dài nhất thế giới với tổng số chiều dài hai bên cầu là 1.140 m, 10.000 đèn LED tạo nên 200 màu sắc nhày múa cùng với nhạc nước làm thành một khung cảnh vô cùng lung linh, huyền ảo.

  Hiện tại, dọc hai bên bờ sông Hàn được sử dụng làm công viên, lối đi dành cho người đi bộ và đường dành cho người đi xe đạp.

   Thủ đô Seoul, nơi quy tụ những đại công ty có sức ảnh hưởng toàn thế giới với những phát triển kinh tế, kỹ thuật đã trở thành một trong bốn con hổ (hay bốn con rồng nhỏ) châu Á là Đài Loan, Đại Hàn, Hồng Kông và Singapore.

   Hầu như một nửa dân Hàn Quốc sống ở vùng thủ đô Seoul khiến nó trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, và chính trị của quốc gia này. Thành phố đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc, là nơi đặt trụ sở đầu não của những tập đoàn nổi tiếng thế giới như Samsung, LG, Hyundai, Kia, Daewoo. Các sản phẩm xuất cảng chính là hàng điện tử, thiết bị máy móc, xe hơi.

   Đến Seoul là phải nói đến việc đi mua sắm ở các trung tâm lớn, cửa hàng bán sâm, bánh kẹo v.v. Bạn có thể ăn thử thực phẩm thả dàn tại các cửa hàng bán bánh kẹo và cũng có màn mua 5 tặng1 nữa. Tuy nhiên vật giá ở Đại Hàn khá mắc giống như ở Nhật. Người viết không có nhu cầu mua sắm nhiều nên chỉ mua những món hàng lưu niệm và bánh kẹo làm quà cho gia đình.  

   Sâm Đại Hàn nổi tiếng thế giới nhưng mắc lắm bạn ạ. Chúng tôi được hướng dẫn đến thăm viếng một trung tâm bán sâm lớn nhất ở Seoul. Tại nơi đây có nhân viên hướng dẫn và nhân viên bán hàng nói nhiều ngôn ngữ khác nhau để tiếp đãi nhiều nhóm du lịch nói tiếng Việt, tiếng Spanish, tiếng Pháp, tiếng Anh, v.v. Theo lời một thuyết trình viên người Việt thì củ nhân sâm phải được trồng đến năm thứ năm (được 5 tuổi) mới có thể được biến chế thành các sản phẩm tốt giúp cho sức khỏe. Khi được đưa lên phòng bán sâm thì hình như ai cũng dội ra hết vì mắc quá.  Một hộp sâm mà giá cả ngàn đô la Mỹ hay ít nhất cũng vài trăm, bổ như thế nào chưa thấy, chỉ thấy trước mắt là phải móc túi ra trả cả bạc ngàn tiền Mỹ là thấy “đau trong lòng một ít” rồi nên vợ chồng người viết lẻn ra ngoài đấu láo với những người “mậu lúi” như người viết. Chính mắt người viết thấy một phái đoàn khác, có lẻ khởi hành từ Hà Nội vì nói toàn giọng Bắc “hai nút”,  chen nhau mua ào ào những hộp sâm trưng bày trong cửa hàng. Họ là ai mà sao giàu thế? Chủ tiệm bán sâm hôm nay chắc là phát mệt và phát vui vì đếm tiền mệt nghỉ nhỉ? Smile!

Youtube Minh Sương Lam shopping ở Đại Hàn

  Người viết chưa bao giờ uống sâm Đại Hàn nên không dám lạm bàn nhiều về vấn đề này. Thôi thì tôi xin kể chuyện đi thăm viếng “Nhà Xanh”, nơi làm  việc của Tổng Thống Đại Hàn, thăm viện bảo tàng Đại Hàn và thăm cố cung Gyeongbok, có lẽ vui hơn.  Đây là những địa điểm mà người viết thích nhất để biết văn hóa Đại Hàn như thế nào?

 Con đường dẫn đến “Nhà Xanh” rất đẹp với hàng cây bạch quả mà lá đã chuyển sang màu vàng. Chúng tôi chỉ đứng xớ rớ chụp hình bên ngoài vòng rào khu vực hoa viên trước Nhà Xanh, nhìn từ xa ngôi nhà màu xanh lam, nơi làm việc và chỗ ở của Tổng Thống Đại Hàn. Bên trong vòng rào có nhiều mật vụ mặc đồng phục áo vest đen đứng bảo vệ an ninh. Bạn cần biết một tí về Nhà Xanh của Tổng Thống Đại Hàn nhé. Nhà Xanh hoặc là Cheongwadae vốn là di tích hoàng cung nằm ở phía Nam của thủ đô trong thời kỳ Goryeo. Trong thời đại Joseon, Gyeongbuk-gung được xây dựng làm hoàng cung chính và nơi này trở thành hậu hoa viên của hoàng cung. Trong thời gian Nhật Bản chiếm cứ Hàn Quốc vào năm 1910, chính phủ Hàn Quốc sử dụng cung Gyeongbok làm văn phòng đại diện chính phủ. Nhật Bản cho xây dựng văn phòng và dinh thự của Thống soái Nhật Bản ngay tại tòa nhà chính của Cheongwadae ngày nay.

   Sau khi Hàn Quốc độc lập, tòa nhà này dùng làm nơi ở cho Bộ trưởng Bộ quân sự của quân đội Mỹ. Sau khi Cộng hòa Dân Chủ nhân dân Triều Tiên thành lập vào tháng 8 năm 1975, nơi này trở thành nơi ở cho tổng thống với tên gọi Gyeongpodae. Sau cuộc Cách Mạng tháng 4 năm 1960, đảng Dân chủ đoạt lấy quyền lực và Tổng thống Yun Bo-seon đổi tên thành Cheongwadae. Năm 1990, Chunchugwan – trung tâm báo chí và nơi ở cho gia đình tổng thống được xây dựng. (Nguồn: sưu tầm trên net)

Mời quý bạn cùng Minh và Sương Lam viếng viện bảo tàng và Nhà Xanh, nơi làm việc và cư trú của Tổng Thống Đại Hàn Dân Quốc qua youtube

Minh SuongLam viếng viện bảo tàng và NHà Xanh Đại Hàn

Xàng qua xê lại chụp hình bên ngoài Nhà Xanh một chút để biết rằng mình đã đến nơi đây, rồi phe ta đến thăm viện bảo tàng của Đại Hàn để xem các tác phẩm văn hóa và các tượng điêu khắc còn lưu giữ ở nơi đây. Muốn đến đấy, bạn phải đi qua một công viên rất đẹp như trong phim cổ Đại Hàn mà bạn thường xem trên tivi, cũng có hồ nước xanh biếc với nhà thủy tạ, cũng có hoa xinh cảnh đẹp chung quanh. Bây giờ là mùa thu nên cảnh sắc càng thơ mộng, diễm tình hơn.

  Nơi người viết thích xem nhất là cung điện của hoàng gia Đại Hàn, đó là cung Gyeongbok hay còn gọi là Cung Cảnh Phúc, là cung điện của ánh sáng và hạnh phúc, cung điện chính, bề thế và quan trọng nhất, nằm ở phía Bắc của Seoul. Được xây dựng từ năm 1395, cung Gyeongbok trở thành nơi hoạt động triều chính chính thức của các triều đại trong suốt lịch sử của vưong triều Joseon, từ 1392 đến 1910. Trong suốt chiều dài lịch sử đầy biến động, cung Gyeongbokgung đã nhiều lần bị phá hủy trong các cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật Bản. Mãi đến năm 1990, cung điện mới bắt đầu được khôi phục và sửa chữa dần dần cho đến ngày nay. Cung điện Gyeongbokgung bao gồm các khu hoạt động triều chính, khu sinh hoạt và nghỉ ngơi.

   Dọc theo trục chính của cung điện, lấy cổng Gwanghwamun (Quảng Hòa Môn) làm trung tâm, là Điện Cần Chính, nơi có ngai vàng của vua, nơi thiết triều, và là nơi ở của vua và hoàng hậu. Các khu vực khác được xây bất đối xứng, tạo nên sự hài hòa thống nhất và phân cấp rõ ràng.

Người hướng dẫn giới thiệu các điểm chính như: Cần Chính Điện là nơi vua thiết triều, nơi đây có ngai vàng của nhà vua; Khang Ninh Điện là nơi nghỉ ngơi của vua, nằm ngay phía sau Cần Chính Điện; Giao Thái Điện là nơi nghỉ ngơi của hoàng hậu, kế cận Khang Ninh điện, phía sau có vườn hoa nhỏ rất đẹp. Mỗi ngày ở cố cung có trình diễn nghi lễ đổi gác trong vòng 15 phút bắt đầu từ 10 giờ sáng, cứ mỗi tiếng trình diễn một lần, phiên đổi gác cuối cùng được thực hiện lúc 3 giờ chiều. Trong nghi lễ đổi gác, lính canh hoàng gia sẽ mặc trang phục của ngự lâm quân giống như thời Joseon và chụp ảnh miễn phí với khách du lịch. Đoàn chúng tôi đến viếng cố đô Gyeongbok trễ, sau 3 giờ nên không được xem màn đổi gác này. Tiếc quá!

   Đứng trên Cần Chính Điện nhìn xuống, người viết thấy nam thanh nữ tú đi lại dập dìu nơi sân chầu. Có những cô gái rất xinh mặc quốc phục Đại Hàn đi từng đoàn nói cười vui vẻ. Những chàng trai trẻ trong đoàn nhìn các người đẹp dễ thương này chắc phải ngẩn ngơ dăm ba phút?

DSCN2344.JPG

Mời xem Minh và Sương Lam viếng hoàng cung Gyeongbok – Đại Hàn qua youtube:

Tiết mục cuối trong chương trình hôm nay sau bữa cơm tối là màn xem show biểu diễn nghệ thuật Nanta hay còn gọi là Cookin’Nanta với các nhịp điệu, âm thanh và tiết tấu được tạo nên từ các dụng cụ làm bếp rất vui. Trong giấc ngủ đêm nay, tôi vẫn còn nghe âm thanh vui nhộn của màn trình diễn này.

Ngày 4 – Seoul Nami

IMG_9508 900.JPG

Hôm nay là ngày viếng thăm một nơi mà ai đã yêu mùa thu, đã có tình cảm lãng mạn của một thời yêu đương nồng cháy, đã thích xem phim truyện tình cảm Đại Hàn rồi thì phải thành thật nói rằng: nếu đến Đại Hàn vào mùa thu mà không đến thăm viếng nơi đây thì quả là một sự thiếu sót đáng kể. Nơi nào nhỉ? Đó là đảo Nami, điểm đến của những cặp tình nhân và những cặp vợ chồng mới cưới, bạn ạ.

   Đảo Nami cách thủ đô Seoul 63 km về phía tỉnh Chuncheon (phía nam Hàn Quốc), khoảng 40 phút lái xe. Hòn đảo xinh đẹp này được đặt theo tên của vị tướng nổi tiếng, người đã có công lớn dẹp loạn vào thế kỷ 13. Du khách muốn đặt chân lên đảo sẽ phải mua vé để lên phà. Phà rất mới và nhanh nên chỉ mất 5 phút là đến đảo rồi. 

   Đoàn của chúng tôi phải đi sớm để có nhiều thời giờ thưởng thức cảnh đẹp ở nơi đây. Điểm nổi bật nhất của đảo Nami chính là hàng cây bạch quả xuất hiện trong phim “Bản Tình Ca Mùa Đông” với hàng cây thẳng tăm tắp trên con đường đất nhỏ, đẹp và lãng mạn vô cùng. Không có bút mực nào tà hết nét đẹp mê hồn của lá vàng, lá đỏ. Có thể  trái tim của người viết đã bị mê hoặc bởi chuyện tình lãng mạn của hai nhân vật chính trong bộ phim “Bản Tình Ca Mùa Đông” nên thấy mùa thu ở đảo Nami đẹp đến não lòng.

   Trên con đường với hai hàng cây đầy lá vàng tuyệt đẹp này có bức tượng của hai nhân vật chính trong phim và hình ảnh của họ vẫn tràn ngập khắp nơi trên đảo. Người viết không thể nào không chụp hình trước một khung cảnh có hình ảnh cặp tình nhân của cuộc tình quá đẹp, quá đáng thương này. Các khách sạn tại Nami đều theo xu hướng lãng mạn, khoáng đạt, giá cả khá cao vào cuối tuần. Đặc biệt, khách sạn Jeong Guan Ru, nơi hai nhân vật chính của “Bản Tình Ca Mùa Đông” đã ở khi quay phim trên đảo, luôn kín phòng.

  Youtube Đảo Nami Mùa Thu Lá Đỏ

 Đằng xa xa kia, các bạn trong đoàn đang tạo dáng chụp hình để ghi lại nét đẹp của lá vàng, lá đỏ mùa thu xứ Hàn và tôi cũng thế. Chúng tôi lang thang trên những lối mòn trên đảo giữa khung cảnh nên thơ ở Nami và thoáng một chút nhớ về những ngày hoa mộng cũ khi mới quen nhau. Hãy đến Nami vào mùa thu, bạn sẽ yêu mùa thu và yêu xứ Hàn nhiều hơn nữa vì cảnh đẹp nơi đây sẽ hút hồn bạn với những chiếc lá vàng lá đỏ trên cây.

   Nhưng rồi chúng tôi phải quay về Seoul để còn đi viếng thăm những cửa hàng mua sắm ở xứ này chứ. Xe dừng lại ở một thương xá rất lớn, nhiều tầng, bán đủ các mặt hàng loại “xịn” đắt tiền. Thiên hạ đi shopping rần rần. Chàng và nàng cũng thử đi vòng vòng vài tầng xem giá cả thế nào? Chúng tôi thấy giá mắc quá trời nên vội vàng chạy sang một thương xá kế bên bán toàn hàng “nhái” nhưng cũng đẹp không thua gì “hàng hiệu” để mua một vài món quà kỷ niệm mà thôi. Đi loanh quanh một hồi lại thấy phe ta cũng có mặt bên đây khá nhiều. Thế là “chí lớn gặp nhau’ vì giá cả bên cửa hàng sang trọng kia quá mắc chăng?

   Thật tình ở Mỹ cái gì cũng có nên về Mỹ mua quần áo vừa đúng gu vừa giá rẻ, vừa có thể được hoàn trả lại, vừa có quà tặng, vẫn ngon lành hơn mua sắm ở Đại Hàn chứ lị.

   Ngày mai phải lên đường về chốn cũ nên chúng tôi sau khi ăn cơm tối là phải lo thu dọn hành trang nên không dám lang thang trên phố Hàn trong cơn mưa lạnh. Đi ngủ sớm vẫn tốt hơn. Good Night!

 Ngày 5 – Trở về chốn cũ

   Sau buổi ăn sáng tại khách sạn, chúng tôi ra sân bay làm thủ tục trở về chốn cũ. Đi chơi cũng vui thật nhưng về lại chốn cũ vẫn vui hơn vì nơi ấy có mái ấm gia đình của tôi, có cô cháu nội Mya của tôi, có những người thân quen của tôi ở đấy. 

   Portland của tôi tuy đất lạnh nhưng tình nồng, nơi mà tôi đã chọn làm quê hương thứ hai của tôi vì trái tim tình cảm của tôi đã đặt ở đấy rồi. Tôi yêu mùa thu ở Portland vì ở nơi đây cũng có lá vàng lá đỏ như ở đảo Nami xứ Hàn. Nhưng ở Nami, tôi chỉ là khách du lịch dừng chân trong dăm ba ngày để biết thêm chuyện đường xa xứ lạ.  Còn Portland chinh là nơi chốn tôi phải quay về sau những chuyến viễn du. “There is no place like home” bạn ạ!

   Tuy nhiên, nếu có đủ phúc duyên thì bạn cũng nên đi một chuyến Đại Hàn Mùa Thu Lá Đỏ để cho trái tim tình cảm lãng mạn của mình được sống lại một ít phút giây, bạn nhé. Chúc an bình và hạnh phúc đến với các bạn.  Smile!

 Mời xem Du lich Dai Han 2015

Suong Lam Portland

12 videos

Bài ký sự du lịch này đã đăng trong Giai Phẩm  Xuân ORTB  năm 2020

ORTB Xuan 2020 3.jpg

Sương Lam

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

 (Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi MCTN 590- ORTB 1015 112321)Sương Lam

Website: www.suonglamportland.wordpress.com

http://www.youtube.com/user/suonglam

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.