Sương Lam mời đọc Chắp Tay Chào Nhau

Thưa quý anh chị,

  Chúng ta cũng thường nghe nói:  “Tiếng chào cao hơn mâm cổ”, nói lên tầm quan trọng của sự chào hỏi trong giao tế nhân sự đời thường.

Khi nhìn hình ảnh các Phật tử lễ Phật nhân ngày lễ vía Quan Thế Âm Bồ Tát 19 Tháng 9 Âm Lịch vừa qua tại các chùa một cách cung kính, người viết có cảm hứng viết bài này để chia sẻ cùng các thân hữu. 

  Chúng ta xin chào nhau và cùng đọc bài tâm tình hôm nay của người viết nhé.  Smile!

Thân tình,

 Sương Lam

 

 Chắp tay chào nhau

 

image.png

Đây là bài số bốn trăm bốn mươi hai(442) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Bây giờ, khi gặp nhau chúng ta thường hay hỏi chào nhau: ” Hôm nay Anh (Chị) khỏe không?” hoặc bắt tay “bonjour” mỉm cười, hoặc ôm nhau  chào nhau một phát chứ không cần phải chụm tay để ngang trước ngực cúi đầu xuống nói: Chào ông, chào bà , chào anh, chào chị v..v…cung kính  như ngày xưa.

  Con cháu sinh ra ở xứ Âu Mỹ bây giờ lại chào ngắn gọn hơn nữa với: “Hi! Ông Nội, Hi! Bà Nội, Hi! Ông Ngoại, Hi Bà Ngoại…” v..v.. chứ không cần phải khoanh tay, cúi đầu thấp xuống  và nói:”Thưa ông Nội, Thưa Bà Nội….”  v..v.. như thời chúng ta đã chào ông bà của thế hệ 30-40 về trước.

Viết tới đây người viết nhớ đến bài viết “Xin lại Chào Nhau” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc xin được trích đăng chia sẻ với các bạn vì tôi thấy hay hay với 4 câu thơ của Bùi Giáng và cảm nghĩ của tác giả ĐHN

“…..Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng…”

(Bùi Giáng)

Người phương Đông thời xưa không bắt tay. Họ chào nhau bằng cách vòng tay thành một vòng tròn và xá xá từ xa. Thời đó trang phuc là áo dài, không có túi, ống tay thụng phất phơ, dùng làm túi luôn. Họ có thể giấu nhiều thứ vào cái tay thụng đó, kể cả Lục Tích ăn cắp quít về cho mẹ trong Nhị thập tứ hiếu. Vòng tròn là biểu tượng của Thái cực. Thái cực sinh Lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng. Từ đó sinh sinh hóa hóa…  Vòng tròn còn tượng trưng cho Dịch. Mọi sự đều chuyển biến, đổi thay, vô thường. Cho nên “Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng” (TCS), bởi hết cơn bỉ cực tới thời thái lai. Cái gì xuống đến tận đáy rồi thì sẽ phải lên, cái gì lên cao chót vót rồi thì sẽ xuống. Người giỏi kinh doanh sẽ thấy lúc khó khăn nhất cũng chính là cơ hội lớn nhất và lúc vinh quang nhất sẽ phải chuẩn bị cho bước thối lùi: Biết đủ dầu không chi cũng đủ/ Nên lui đã có dịp thì lui! (Ưng Bình). Cách chào vòng tay cúi đầu này không còn phổ biến nữa, trừ ở trẻ con:  Tiên học lễ!

Còn cách chào chắp hai bàn tay lại làm một đặt trước ngực thì sao? Thì mang một ý nghĩa khác. Có lẽ cũng xuất phát từ phương Đông, từ Ấn độ, mang màu sắc Phật giáo. như ta thường thấy ở các nhà sư.

image.png

 Gần đây bỗng thấy nhiều người cả già lẫn trẻ nhất là giới trí thức, doanh nhân, những người có thiền tập đều thích cử chỉ chào vừa trang trọng  vừa nhiều ý nghĩa này. Có người bảo đó là hình ảnh của búp sen, với hai bàn tay khum khum vào nhau, hoặc hình ảnh của ngọn lửa sẻ chia với nụ cười ung dung tự tại.

 Tôi nghĩ không chỉ vậy. Cái chắp hai bàn tay chụm lại làm một đó hẳn mang ý nghĩa của triết lý Bất Nhị ( không hai). Nói khác đi, đó là sự bình đẵng, không phân biệt, không kỳ thị: Tôi là em và em cũng là tôi! (TCS).

Khi Lục tổ Huệ Năng bị thượng tọa Huệ Minh rượt đuổi, bắt gặp, Huệ Minh nói chỉ muốn xin được nghe pháp. Lục tổ dạy: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bổn lai diện mục của thương tọa Minh?” Huệ Minh tức thì đại ngộ. Không nghĩ thiện không nghĩ ác cũng có nghĩa là không nghĩ đẹp không nghĩ xấu, không nghĩ giàu không nghĩ nghèo… Giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu … là những cặp phạm trù nhị nguyên xui người ta  tranh đoạt, hơn thua, cấu xé…  tự ngàn xưa!….”

(Nguồn: Xin lại chào nhau- BS Đỗ Hồng Ngọc – Xin cám ơn Bác sĩ ĐHN)

Khi Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói đến cách chào chắp hai bàn tay lại làm một đặt trước ngực gợi  hình ảnh búp sen, người viết lại nhớ đến bài thơ “Ngón Út của Thầy Thích Tánh Tuệ, xin mờiquý bạn cùng đọc với người viết nhé:

Bài thơ Ngón út -Thích Tánh Tuệ

Những ngón tay lao xao

Tranh giành từng cấp bậc .

Ngón tay Giữa cao đầu

Bảo rằng: “Tôi lớn nhất!”

 

” Thôi đi anh, trật lất! “

Ngón tay Trỏ cất lời

– Tôi mới là quan trọng

Sai xử mọi việc đời.

 

– Chẳng phải đâu ông ơi!

Tôi mới là chủ yếu

Ngón đeo Nhẫn đời người

Thiếu tôi, ai lo liệu?

 

Ngón tay Cái không chịu

“Tất cả nói sai rồi” .

Tôi mới là số một

Sức mạnh về tôi thôi !…

 

Từng ngón tay cứ thế

Chẳng ai chịu nhường ai

Chỉ ngón Út lặng lẽ

Nhìn các anh thở dài…

Khi bàn tay chắp lại

Trang nghiêm trước Phật Đài .

Ngón Út đứng trước cả

Đối diện cùng Như Lai.

 Thích Tánh Tuệ

( Kính cảm tạ Thầy Thích Tánh Tuệ)

 

image.png

Rồi từ đấy người viết lại lan man nhớ đã đọc bài viết CHẮP TAY LẠY PHẬT

đăng trong website Hoa Vô Ưu.com xin được chia sẻ với bạn:

CHẮP TAY LẠY PHẬT

Huệ Trân

  “…..  Chắp tay lạy Phật là cử chỉ quá thông thường của người Phật tử, có chi khó hiểu đâu mà cần băn khoăn suy nghĩ. Đa số chúng tôi đều tưởng thế, cho đến một buổi nghe pháp, giảng sư hỏi đại chúng:

          -Tại sao lạy Phật lại chắp tay?

          Chúng tôi đồng loạt trả lời:

          -Thưa Thầy, chắp tay để bày tỏ lòng cung kính Phật.

          Nhưng khi Thầy hỏi: “Còn gì nữa?” thì cả đạo tràng im lặng, ngơ ngác nhìn nhau, không ai tìm được thêm một lý do nào nữa vì nghĩ, lý do cung kính Phật là đúng quá rồi!

          Khi ấy, Thầy giơ bàn tay trái trước đại chúng và hỏi:

          -Đây là tay gì?

          Dễ quá! mọi người nhất loạt trả lời:

          -Dạ, tay trái ạ.

          Thầy giơ tay phải, hỏi:

          -Còn đây là tay gì?

          Lại dễ nữa, nên không ai chậm trễ lên tiếng:

          -Dạ, tay phải ạ.

          Bấy giờ, Thầy chậm rãi chắp hai tay vào nhau, thành búp sen và nhẹ nhàng hỏi:

          – Tay gì đây?

          Lúc này thì đại chúng nhường nhau, người nọ chỉ mong người kia trả lời cho mình, nhưng câu nào cũng chỉ ấp úng:

          -Dạ … tay …. A …. tay …..

          Vẫn giữ tay búp sen, Thầy giải thích:

          -Khi chúng ta chắp hai tay vào nhau thì không còn tay phải, không còn tay trái nữa, đúng không? Hai bàn tay, phải và trái chỉ còn là một. Một búp sen thơm. Cũng thế, khi chúng ta nhiếp tâm chánh niệm thì tâm phân biệt phải trái, hơn thua, xấu đẹp. giầu nghèo v…v.. không còn nữa mà chỉ còn tâm an lạc.

Không một cử chỉ nào trong đạo mà không hàm chứa lời dạy sâu xa. Vào chùa, chúng ta quỳ xuống là đang thực hành hạnh khiêm cung, vô ngã, không còn Cái Ta kiêu mạn nữa. Sau đó là chắp tay, xả tâm phân biệt, tự động cảm thấy thân tâm thoải mái.

Ngay sau hai cử chỉ đơn giản đó, chúng ta lập tức đạt được sự an lạc mà thường ít ai quán chiếu vì sao cứ đến chùa là tiêu tan phiền não……”

( Nguồn: Trích hoavouu.com)

   Với cái chắp tay hình búp sen trước Phật đài chúng ta nhận thức rằng  “Khi chúng ta chắp hai tay vào nhau thì không còn tay phải, không còn tay trái nữa, đúng không? Hai bàn tay, phải và trái chỉ còn là một. Một búp sen thơm. Cũng thế, khi chúng ta nhiếp tâm chánh niệm thì tâm phân biệt phải trái, hơn thua, xấu đẹp. giầu nghèo v…v.. không còn nữa mà chỉ còn tâm an lạc.” Phải không Bạn?

image.png

Mời quý bạn thưởng lãm youtube đầy thiền vị dưới đây:

CHẤP TAY LẠY PHẬT – THÙY TRANG

  https://youtu.be/TU-gF_0Zyig

 Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

 Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 442-ORTB 857-103118)

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.