Học Im Lặng

https://i0.wp.com/i195.photobucket.com/albums/z149/minh40/HinhtrenORTB/3ongphat-500-1.jpg

Chào quý bạn,

Chúng ta thường được dạy bảo: “Im Lặng là Vàng. Nói là Bạc”.  Vàng dĩ nhiên là phải có giá trị hơn Bạc rồi vì vận động viên trong Olympic London 2012 đoạt được huy chương vàng hạng nhất hẵn nhiên là phải giỏi hơn người đọạt huy chương bạc hạng nhì và huy chương  đồng hạng ba. Huy chương vàng phải có giá trị  hơn huy chương bạc, huy chương đồng là  cái chắc rồi, nếu không, ai lại bỏ công luyện tập cực khổ làm chi cho mệt.

Nhưng trong cuộc đời, nhất là trong tình yêu, nhiều khi  im lặng lại làm cho bạn đau khổ không ít khi bạn “thương người ta mà không chịu nói. Xách cây dù đi tới đi lui” hoài, làm cho người bạn yêu có biết gì đâu, nên nàng phải bước sang sông đi lấy chồng tỉnh bơ, bỏ  bạn ở lại bến sông và bạn sẽ than  trách người bạn yêu “sao em nở vội đi lấy chồng!”

Nhưng … Chữ Nhưng này xuất hiện trong đời sống hôn nhân vì có một ông phương Tây tên là  Richard Taverner lại ví von rẳng: “Vợ chồng sẽ sống bình an hạnh phúc, nếu chàng giả điếc, nếu nàng giả câm”. Trời đất!

Thật thế vì có nhiều gia đình, sau tuần trăng mật thì  Nàng nói Chàng nghe, dăm ba tháng   sau, Chàng nói Nàng nghe, và vài năm sau nữa thì Chàng và Nàng cùng nói, hàng xóm nghe cho vui!  Bây giờ  tuổi gìà sức yếu rồi mà Chàng và Nàng cũng còn rán càm ràm, cự nự, ồm ộp với nhau như hai con ểnh ương đêm mưa vậy đó.

Nhưng… Lại chữ Nhưng  xuất hiện thêm một lần nữa làm cho cuộc đời thêm rắc rối vì nếu trong nhà Chàng và Nàng lại im hơi lặng tiếng quá thì ngôi nhà sẽ biến thành Chùa Bà Đanh mất.

Xin mời bạn đọc những lời tâm tình dưới đây đã được một người bạn sưu tầm và chuyển đến người viết về sự im lặng như sau:

Nếu tôi im lặng…

Nếu một ngày tôi hoàn toàn im lặng. Bạn sẽ đối xử với tôi ra sao?
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, Tôi vô tình? Tôi lạnh lùng ?

Nếu một tuần tôi hoàn toàn im lặng. Bạn sẽ đối xử với tôi ra sao?
Có thể bạn sẽ chạy lại hỏi tôi làm sao, rồi sẽ nhận một nụ cười nhẹ từ tôi và đôi mắt tôi nhìn bạn như muốn nói “Tôi không sao đâu…”

Nếu suốt 1 tháng trời tôi vẫn im lặng. Bạn sẽ đối xử với tôi ra sao?
Có thể bạn sẽ thôi không nhìn tôi dò hỏi, thôi không cố gắng im lặng ngồi cạnh tôi chờ đợi tôi sẽ nói điều gì đó. Bạn cũng không cố gắng tìm hiều tại sao tôi im lặng nữa. Và bạn sẽ thở dài mỗi khi có ai đó nhắc về tôi trước mặt. Tôi thành một góc nhỏ gì đó không thể hiểu nối trong tim bạn.

Còn nếu đã nửa năm rồi, tôi im lặng. Bạn sẽ đối xử với tôi ra sao?
Rất tiếc là lúc đó bạn đã không còn nghĩ gì đến tôi nữa rồi. Sự im lặng của tôi đã xua tôi ra khỏi ký ức và suy nghĩ của bạn. Nếu có lúc nào đó lơ đãng nhớ lại, bạn sẽ ngạc nhiên nghĩ rằng sao chúng ta có thể từng thân thiết với nhau chừng ấy.

Và rồi…
Khi ánh nắng buổi sáng đầu tiên(… của ngày thứ 178 tính từ khi tôi im lặng) chiếu xuống giường bạn.

Bạn thấy trên Yahoo còn đọng lại 1 cái Entry và 1 bài hát… => đó là “Lá thư” tôi viết cho bạn:

“Sự im lặng không có nghĩa là ngừng yêu thương”

Gớm! Im lặng kiểu ông này sao mà đặc biệt thế nhỉ?

Kèm theo lời tâm tình này, bạn tôi còn mời chúng ta thưởng thức tiếp bài hát The Sound of Silence  do Simon Và Garfunkel trình diễn ở Central Park năm 1981 được đưa vào Youtube  với con số người vào xem là 6,084,182  tính đến ngày hôm nay (8-13-2012).  Chắc hẵn phải hay và đầy ý nghĩa nên nhiều người vào xem chứ nhỉ?

Xin mời bạn bấm vào link dưới đây để nghe nhạc:

Simon & Garfunkel – The Sound of Silence

hoặc ckick vào link dưới đây

http://www.youtube.com/watch?v=dTCNwgzM2rQ&feature=em-share_video_user

(Nguồn: email của anh Huỳnh Trinh gửi- Xin cám ơn anh TH)

Từ bài tâm tình này, người viết lại nghĩ đến việc đi sưu tầm thêm những lời hay ý đẹp của danh nhân nói về sự im lặng, đem về đây chia sẻ với quý bạn nhé.

*  Im lặng là cấp độ cao nhất của sự khôn ngoan.  Ai không biết im lặng tức là không biết nói.

Pittacos

*  Kẻ ngốc mà không thốt ra lời nào thì cũng không khác gì một nhà thông thái im lặng.

Molière

*  Im lặng là hình thức hoặc khiêm tốn hoặc hằn học nhất của sự phê phán.

Pierre Reverdy

*  Điều gì không nói lên được, nên im lặng.

Ludwig Wittgenstein

*  Hãy để ý đến những lứa đôi ngồi trong nhà hàng.  Họ im lặng với nhau nhiều chừng nào, chứng tỏ họ đã sống chung nhiều chừng nấy

André Maurois

Mèn ơi!  Nhận xét này sao mà đúng quá vậy vì càng sống chung với nhau lâu chừng nào thì không còn chuyện gì để nói với nhau nữa ngoài ngoài chuyện sinh hoạt gia đình, con cháu.  Nếu nói chuyện với nhau nhiều đôi khi lại sinh ra cãi vã nữa. Mệt quá!

Đông Phương cũng có một vài lời dạy rất hay liên quan đến việc nói năng như:

* “Bịnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” tạm hiểu là bịnh hoạn là do ăn uống những chất độc từ bên ngoài đem vào miệng. Còn tai họa là do những lời nói không tốt từ miệng phát sinh ra.

* Suốt đời làm phải, một câu bạc ác đủ đổ đi cả.

Gia ngữ

*  Lời nói như tên, không nên bắn bậy, đã lọt vào ai thì không tài nào rút ra được nữa.

Lục tài tử

* Tâm không bình, khí không hoà thì nói hay lầm lỗi.

Hứa Hành

* Câu nói trái ý, tất phải xem câu ấy hợp lý không?

Câu nói chiều lòng, tất phải xét coi câu ấy có vô lý không?

Kinh Thư

* Loạn sinh ra từ lời nói.

Kinh Dịch

(Nguồn: Trích trongThuật Xử Thế Của Người Xưa-Nguyễn Duy Cần)

Nhà Phật có ngũ giới cấm dạy những người con Phật phải gìn giữ để được sống an lành, hạnh phúc, trong đó có giới không được nói dối. Ngũ giới là:

1-     Không sát sanh

2-     Không trộm cắp

3-     Không tà dâm

4-     Không nói dối

5-     Không uống rượu

Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có nói:

Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

hoặc là

Chim khôn hót tiếng rảnh rang

Ngừời khôn ăn nói dịu dàng dễ thương.

Hay là

Vàng thì thử lửa thử than

Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời

Qua những lời sưu tầm nêu trên, cúng ta thấy lời nói rất là quan trọng.  Vì thế chúng ta phải thận trọng khi nào nên nói, khi nào nên im lặng.   Chúng ta phải luôn luôn “học ăn, học nói, học gói, học mở”, Bạn nhỉ.

Người viết xin mượn một câu chuyện Thiền vui vui dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay.

Giới không nói

Bốn thiền sinh giao ước với nhau tu thiền trong một ngày một đêm không được nói chuyện.  Đầu hôm họ đều im lặng không nói, mãi đến nửa đêm đèn đuốc lụn tàn sắp tắt, một thiền sinh buộc miệng nói:

–         Á! Đèn sắp tắt.

Thiền sinh thứ hai nghe thế liền rầy:

–        Tại sao huynh nói?

Thiền sinh thứ ba lại quát:

–        Các anh quên rồi sao?

Thiền sinh thứ tư mở miệng cười:

–        Ha ha! Chỉ có tôi là không nói.

(Nguồn:Thiền là gì? Giác Nguyên)

Bình: Phật dạy: Nói năng như Chánh Pháp; Im Lặng như Chánh Pháp.  Ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý thì Ý nghiệp làm chủ.  Thế nên, muốn tịnh khẩu trước hết phải tịnh tâm.  Tâm tịnh rồi thì nói nín đều hợp đạo, cần gì im lặng.

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Hình ảnh, tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi-MCTN 139_ORTB 537-8142012)

1 thoughts on “Học Im Lặng

  1. Pingback: Happy Anniversary with WordPress.com- Chân thành Cảm Tạ | suonglamportland

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.